Đi tìm lời giải cho sự tích về miếu thờ và thần tích của ông Văn Hiền

Thứ ba - 02/07/2019 07:56 1.714 0
Nhân dịp ki niệm ngày mất của Thịnh Đức Văn Hiền (ông Nguyễn Văn Hiền) “người chịu chém cho xã” (1/6 AL hằng năm). Ban biên tập xin trân trọng giới thiệu bài viết  Đi tìm lời giải cho sự tích về miếu thờ và thần tích của ông Văn Hiền (Nguyễn Văn Hiền) “người chịu chém cho xã”.của tác giả Nguyễn Trọng Thanh, sinh năm 1979, quê Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, Thạc sỹ Luật, hiện công tác tại Tổng công ty xây dựng và phát triển hạ tầng LICOGI – CTCP, Bộ xây dựng.
Ảnh: Miếu thờ Thịnh Đức Văn Hiền ở xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.
Ảnh: Miếu thờ Thịnh Đức Văn Hiền ở xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. 
Ngôi miếu này thủa xưa nằm ở khu vực địa đầu làng Nhượng Bạn (nay là xã Cẩm Nhượng). Miếu xây tự năm nào không ai còn nhớ và không có tư liệu ghi chép. Trong kháng chiến chống Mỹ, miếu bị tàn phá hết sức nặng nề, mái đổ, tường xiêu. Đến năm 1991, với sự nỗ lực của nhân dân Cẩm Nhượng và sự tâm huyết của nhà thơ, thầy giáo Lê Xuân Dụ, miếu thờ ông Văn Hiền được khôi phục lại gần như cũ. Tôi nhớ, thầy Lê Xuân Dụ là người có công lao to lớn, chủ trì việc vận động, kêu gọi bà con đóng góp tiền của; tranh thủ sự tìm tòi, thiết kế của cụ Hoàng Nguyên Giám (cố Cầm Sâm), cụ Dương Đình Thâu (cố Sửu), cụ Trần Ngọc Thịnh đã đưa ngôi miếu một thời hoang tàn, vắng lạnh khói hương được trở lại đúng nghĩa nơi thờ tự người có công đức to lớn cứu cho dân làng thoát khỏi án tử của triều đình.
Cho đến nay, sự kiện ông Văn Hiền chịu chém cho xã vì nguyên nhân gì vẫn là điều còn mù mờ với nhiều cách lý giải khác nhau nhưng chưa thực sự thoả đáng và vững chắc về cơ sở lịch sử. 
Trong bút ký “Có nên gọi là huyền thoại” ở cuốn “Nhượng Bạn của tôi” ấn hành năm 1995, qua việc sưu tầm tư liệu của các bô lão, thầy giáo Lê Xuân Dụ cho rằng, sự tích ông Văn Hiền gắn liền với việc dân Nhượng Bạn cuối thời Tự Đức tham gia phong trào Cần Vương nên bị triều đình đưa quân về đàn áp. Thấy vậy, lý trưởng Nguyễn Văn Hiền đứng ra nhận hết tội lỗi về phần mình và xin được chịu chết thay cho cả xã. Quan quân của triều Nguyễn đành chém và đưa thủ cấp của ông Văn Hiền về kinh đô để có chứng cứ đã dẹp loạn được làng Nhượng Bạn. Ông Văn Hiền bị hành quyết vào ngày mồng một tháng sáu năm 1874. Sau sự kiện này, dân làng đưa ra hương ước cấm mọi người khi làm thịt gà không được cắt tiết để tưởng nhớ đến nghĩa khí cao đẹp của ông Văn Hiền.
Tư liệu kế tiếp là cuốn “Ký ức đời tôi” của cụ Phạm Thể (nguyên là Bí thư tỉnh uỷ Hà Tĩnh). Cụ Phạm Thể cho rằng, vào thời kỳ nào đó, có thể là phong trào Văn Thân, nhân dân nổi dậy chống triều đình và triều đình cho quan quân về để dẹp. Nhưng khi về đây, họ không thấy nhân dân có hành vi gì chống triều đình, có lẽ nhân dân đã im lặng trước vũ lực của triều đình nên đặt điều kiện phải lấy thủ cấp một người để minh chứng làng Nhượng Bạn không có hành vi chống đối. Ông Văn Hiền là lý trưởng, xin đứng ra chịu chém thay cho làng. Về sau nhân dân lập miếu thờ và gọi là miếu Văn Hiền. Cụ Phạm Thể cho biết thêm, câu chuyện này có trong gia phả để trong miếu, nhưng thật đáng tiếc, trải qua chiến tranh tàn phá nên gia phả không còn.
gthh

Có thể khi đưa những ý kiến nêu trên, người viết chưa được xem gia phả hoặc các bản sắc phong của triều đình nhà Nguyễn ban cho ông Văn Hiền. Thật tiếc, thầy Lê Xuân Dụ kính mến của tôi và cụ Phạm Thể đã trở thành người thiên cổ. Dẫu sao đi nữa, tôi cũng xin mạn phép đưa ra một số gợi mở để mọi người cùng tham gia tìm hiểu và có ý kiến.
1. Năm 2006, tôi và hoạ sĩ Nguyễn Xuân Tăng đã mời nhà nghiên cứu Hán Nôm Thiền Phong (Viện Hán Nôm) về Cẩm Nhượng sao chụp và dịch thuật lại toàn bộ mấy chục đạo sắc phong của các triều đại Hậu Lê, Nguyễn phong tặng các vị thần được thờ phụng tại các đình, đền, miếu ở xã Nhượng Bạn thủa xưa, đã phát hiện ra một số sắc phong liên quan tới ông Văn Hiền.
Sắc phong ngày 24/11 năm Tự Đức thứ 33 (1880), sắc phong ngày 01/7 năm Đồng Khánh thứ 2 (1887), sắc phong ngày 11/8 năm Duy Tân thứ 3 (1909), sắc phong ngày 25/7 năm Khải Định thứ 9 (1924) dù chung hay riêng (hoặc mỹ tự) đều ghi: Phong công Văn Hiền Thịnh đức tôn thần. 
Như vậy, từ năm 1880, vua Tự Đức đã ban sắc phong cho ông Văn Hiền, khi đó chưa nổ ra phong trào Cần Vương (năm 1885). Mặt khác, một điều chắc chắn rằng, các triều đại phong kiến Việt Nam trong đó có nhà Nguyễn không bao giờ ban sắc phong cho những nhân vật chống đối. Triều đình chỉ ban tặng sắc phong cho những đối tượng là nhân thần có công trạng to lớn đối với đất nước và làng xã; thường hiện hiện linh ứng rõ rệt và được dân làng sùng tín, phụng thờ hoặc các vị thiên thần phò trợ cho nước cho dân. Lịch sử minh chứng rằng, nhà Nguyễn đã trừng phạt rất nghiêm khắc đối với làng xã, cá nhân nào gian dối, khuất tất trong việc đề nghị ban tặng sắc phong.
Nếu nhân dân Nhượng Bạn có hưởng ứng phong trào Văn Thân hoặc Cần Vương thì dưới quan điểm của thế lực cầm quyền trong thiên hạ, vua Tự Đức và các vị vua khác của nhà Nguyễn không thể tặng sắc phong cho một ai nếu như có gốc gác hoặc dính líu đến yếu tố phản loạn, chống đối...
2. Hà Tĩnh và Nghệ An là những nơi bùng phát rất mạnh mẽ phong trào Văn Thân “Bình Tây, sát tả” (chống Pháp và giết người Công giáo).
Tuy nhiên phòng trào này nhanh chóng bị triều Nguyễn cử những mệnh quan như Nguyễn Văn Tường và Lê Bá Thận đưa quân về đàn áp, dẹp tan năm 1874. Nếu giả thiết, nếu có sự đụng độ, tàn sát đồng bào Công giáo thì không thể có sự chung sống thuận hoà, gắn kết giữa đồng bào lương giáo tại Nhượng Bạn như hàng trăm năm qua. Từ xa xưa, đồng bào Công giáo đã xây dựng cho mình nhà thờ rất to đẹp ở thôn Vạn Lợi (sát với cửa biển Cẩm Nhượng ngày nay), năm 1948 bị bão biển tàn phá mới di chuyển dân về ở tại thôn Phúc Hải và xây dựng lại nhà thờ năm 1957. Đến nay, nhà thờ mới được xây dựng tương đối bề thế, to đẹp ở xã Cẩm Nhượng.

3. Nghi vấn về một ngôi mộ được một số người cho là mộ ông Văn Hiền.
Năm 1992, khi những cồn cát cao gần với phía tây nam khu vực chùa Yên Lạc bị người dân khai thác lấy cát về san lấp nền móng hoặc làm vật liệu xây dựng đã lộ ra một ngôi mộ cổ khá lớn, không xác định được đấy là mộ của nhân vật nào, thuộc dòng họ nào. Ngôi mộ được xây bằng loại gạch Bát Tràng (kích thước 30x30) tương đối bề thế và to lớn ở khu nghĩa địa xã Cẩm Nhượng. Nguyên nhân khiến ngôi mộ này bị mất tích dấu vết trong một thời gian dài là do bão cát đã vùi sâu, đến khi dân khai thác cát mới phát lộ. Một số người trong làng đã đến gỡ lấy gạch tại ngôi mộ cổ này mang về. Chính quyền xã Cẩm Nhượng phải tiến hành khai quật, trong mộ chỉ còn lại một vài mẫu xương rất nhỏ rồi bỏ vào tiểu sành chôn cất lại một địa điểm phía tây bắc chùa Yên Lạc. Toàn bộ gạch ở ngôi mộ được chính quyền đưa về xây bậc tam cấp tại chùa Yên Lạc. Tôi nhớ rất rõ, để xây bậc tam cấp này, bà Hoàng Thị Minh Phiệt đã phát tâm công đức toàn bộ tiền mua xi măng và nhân công. Khi khai quật, nhiều cụ bô lão cho rằng, hài cốt trên có thể không có đầu vì thông thường hộp sọ, tóc và răng (người Cẩm Nhượng gọi là hoa cái) là bộ phận lâu bị phân hủy nhất (lâu bị hoai). 
Việc khai quật ngôi mộ cổ này, dấy lên sự đồn đoán chủ nhân ngôi mộ có thể là ông Văn Hiền. Vì sau khi xử trảm ông, quan quân triều đình đã lấy thủ cấp của ông mang đi nên hài cốt không còn hộp sọ. Việc tồn tại một ngôi mộ được xây cất quy mô, bề thế như vậy tại nghĩa địa xã Nhượng Bạn thủa xưa là điều cực hiếm. Phải là người giàu, người có thế lực hoặc công trạng to lớn đối với nhân dân mới yên nghỉ trong ngôi mộ to đến thế.
Như vậy, những ý kiến cho rằng cái chết mà ông Nguyễn Văn Hiền đã tự nguyện gánh chịu cho xã Cẩm Nhượng liên quan đến phong trào Văn Thân hoặc sau đó là Cần Vương cần được hậu thế nghiêm túc xem xét lại.
Tư liệu còn lại về vị danh thần Nguyễn Văn Hiền, người có công lao to lớn đối với quê hương Nhượng Bạn xưa còn lại không nhiều. Với lòng biết ơn sâu sắc và ngưỡng vọng tiền nhân, tôi kính mong mỗi chúng ta tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu và làm sáng tỏ câu chuyện lịch sử này.

Tác giả: Nguyễn Trọng Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập6
  • Hôm nay492
  • Tháng hiện tại1,016
  • Tổng lượt truy cập522,557
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây